Cách neo đậu tàu thuyền chuẩn [ An toàn, đúng quy định ]
Ngoài kĩ năng, kinh nghiệm của các ngư dân thì việc hướng dẫn cách neo đậu tàu thuyền chuẩn, an toàn đúng nơi quy định của nhà nước là rất cần thiết góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền. Ngay sau đây sẽ là những hướng dẫn chi tiết về cách neo đậu tàu thuyền an toàn và chuẩn theo đúng quy định mà bạn có thể tham khảo.
Table of Contents
Quy định về việc neo đậu tàu thuyền
Quy định đối với việc neo đậu của tàu thuyền được quy định tại Điều 65 Nghị định 58/2017/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải (có hiệu lực từ ngày 01/07/2017) như sau:
1. Khi tàu thuyền đã neo đậu an toàn tại vị trí được quy định, máy chính của tàu phải được duy trì ở trạng thái sẵn sàng hoạt động khi cần thiết; tàu thuyền phải được chiếu sáng vào ban đêm khi tầm nhìn bị hạn chế và duy trì đủ các báo hiệu, dấu hiệu cảnh báo theo quy định.
2. Khi tàu thuyền bị trôi dạt,va đập thuyền trưởng phải tiến hành ngay các biện pháp xử lý thích hợp để phòng ngừa tai nạn, sự cố hàng hải và thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải.
3. Phương tiện thủy thô sơ, không tự hành chỉ được neo đậu ở khu vực riêng theo quy định của Giám đốc Cảng vụ hàng hải; trong quá trình neo đậu phải có đủ người và phương tiện hỗ trợ phù hợp để sẵn sàng điều động khi cần thiết.
Hướng dẫn cách neo đậu tàu đúng kỹ thuật
Trước khi thực hiện neo đậu tàu thuyền, cần kiểm tra và buộc chắc chắn các cửa, nắp hầm hàng. Phải đảm bảo dây neo đúng theo quy định về chiều dài và kích cỡ.
1/ Neo đậu tàu thuyền trong khu vực trú bão
Khi tàu thuyền di chuyển vào khu vực neo đậu tránh trú bão, thuyền trưởng cần phải chấp hành đúng những hướng dẫn neo đậu của người có trách nhiệm thuộc Ban quản lý khu neo đậu hoặc Ban chỉ huy về phòng chống lụt bão các cấp.
Nếu như diện tích khu vực neo đậu rộng rãi và có ít tàu thuyền đang neo đậu. Thì tốt nhất là nên neo tàu riêng biệt một mình, sao cho khi neo đã bám đáy, tàu có thể quay trở theo các hướng mà không bị va đập với bất cứ một vật gì và không bị mắc cạn. Thả 01 – 02 neo trước mũi tàu, chiều dài của dây neo khoảng bằng 5 – 7 lần độ sâu nơi thả neo, góc mở giữa hai neo sẽ bằng khoảng từ 40 ÷ 90°.
+ Nếu như trong khu vực neo đậu có phao bù, cọc neo buộc tàu: Buộc chặt dây lái (hoặc dây mũi) vào các phao bù, xông dây ra khoảng từ 5-7 mét. Buộc chặt hai dây mũi (hoặc 2 dây lái) vào cọc neo. Sử dụng đệm chống va để treo ở mạn tàu nhằm tránh sự va đạp giữa các mạn tàu.
+ Nếu trong khu vực neo đậu không có phao bù/cọc neo: Thực hiện neo tàu theo hướng phía lái vào bờ; thả 02 neo phía mũi tàu, di chuyển tàu để cho neo bám đáy, chằng buộc phía lái vào những vật sẵn có ở trên bờ.
Nếu trong khu vực neo đậu có nhiều tàu thuyền, tối đa sẽ chỉ được neo 03 tàu liền nhau và ở giữa các tàu cần phải có đệm chống va và dây liên kết. Khoảng cách giữa nhóm 03 tàu liền nhau ít nhất là từ 03 mét trở lên. Có thể liên kết mỗi nhóm tàu thành khối bằng cách dùng thân cây gỗ có đủ độ bền và chiều dài, chằng buộc cố định ở phía mũi và lái.
Nếu trong các khu vực neo đậu đã thiết kế vị trí các phao bù mang tính đặc thù thì hãy buộc dây neo mũi, dây neo lái vào các phao bù để bảo đảm tàu được neo đậu an toàn.
2/ Cách neo đậu tàu ở khu vịnh, đầm, phá ven biển
Nên chọn những vị trí khuất gió nhất và đáy biển là cát, cát pha sét hoặc sét. Thực hiện neo một mình để cách biệt với các tàu khác. Chú ý neo đậu tàu cách xa các vách đá và các chướng ngại vật khác. Thực hiện thả 01 – 02 neo mũi, chiều dài của dây neo khoảng bằng 5 – 7 lần độ sâu nơi thả neo, sao cho khi neo đã bám đáy, tàu có thể quay trở các hướng mà không sợ bị va đập với bất cứ vật gì và không bị mắc cạn; không ảnh hưởng đến phao tiêu trên luồng lạch, đường phân chia giao thông.
Đối với các loại tàu thuyền nhỏ, có thể kéo lên bờ càng xa mép nước càng tốt, kê kích, chằng buộc chắc chắn hoặc tháo máy đẻ đưa lên bờ, đánh chìm tàu tại nơi neo đậu.